Chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở

Tương tự như những loại đất khác, việc chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở khá phức tạp và cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định khiến cho nhiều người sử dụng đất gặp không ít khó khăn khi tiến hành các thủ tục hành chính để chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở. Vậy có thể chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở được không? Nếu có thì cần đáp ứng những điều kiện gì?

Chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở
Chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở

Chuyển mục đích đất vườn sang đất ở được không?

Sử dụng đất đúng quy hoạch, đúng kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất là một trong những nguyên tắc bắt buộc trong việc quản lý và sử dụng đất đai.

Hiện nay, pháp luật chưa đặt ra quy định cụ thể về đất vườn là gì. Tuy nhiên, dựa trên việc sử dụng và khai thác đất vườn hiện nay của người dân thì có thể hiểu về đất vườn như sau:

“Đất vườn là phần diện tích đất được sử dụng để cây lâu năm; cây hàng năm; hoặc trồng xen kẽ cây hàng năm với cây lâu năm. Đất vườn theo quy định của Luật đất đai năm 2013 có thể là thửa đất gắn liền với nhà ở hoặc là thửa đất trong và ngoài khu dân cư”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đất vườn, ao của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở bao gồm cả đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở, kể cả thửa đất trong và ngoài khu dân cư thuộc các trường hợp sau:

  • Thửa đất hiện đang có nhà ở và vườn, ao;
  • Thửa đất mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này có thể hiện nhà ở và vườn, ao nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì đất vườn có thể chuyển thành đất ở. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 52 Luật đất đai năm 2013.

Điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở 

Tương tự như những loại đất khác khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, việc chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở cũng cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định mà pháp luật về đất đai đã đặt ra.

Căn cứ theo quy định tại Điều 103 Luật đất đai năm 2013 và Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP để xác định đất vườn là đất ở thì cần dựa trên các căn cứ sau đây:

– Đất vườn của hộ gia đình, cá nhân được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất đang có nhà ở bao gồm trường hợp thửa đất có vườn gắn liền với nhà ở, kể cả thửa đất trong và ngoài khu dân cư, cụ thể như sau:

  • Thửa đất hiện đang có nhà ở và vườn;
  • Thửa đất mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP có thể hiện nhà ở và vườn nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở.

– Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.

  • Trường hợp trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật đất đai năm 2013 chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất được xác định bằng không quá 05 lần hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản 4 Điều 144 của Luật đất đai năm 2013 

– Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.

– Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định như sau:

  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình phù hợp với tập quán ở địa phương theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình;
  • Trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở tại địa phương thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở tại địa phương;
  • Trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở tại địa phương thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất.

– Đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định mà đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì diện tích đất ở được xác định theo mức quy định tại khoản 4 Điều này.

  • Trường hợp đất đã sử dụng ổn định kể từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì diện tích đất ở được xác định theo mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản 4 Điều 144 của Luật đất đai năm 2013 

– Phần diện tích đất vườn, ao còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 của Điều này thì được xác định sử dụng vào mục đích hiện trạng đang sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật đất đai năm 2013

* Lưu ý: Loại giấy tờ làm căn cứ xác định diện tích đất ở theo quy định liên quan là giấy tờ có thể hiện một hoặc nhiều mục đích nhưng trong đó có mục đích để làm nhà ở, đất ở hoặc thổ cư.

Chi tiết xin liên hệ

Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội 

Điện thoại: 0866 222 823 

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com 

Website: https://luatthaiduonghanoi.com 

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi 

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

0866222823