Đất nông nghiệp bị bỏ hoang có bị thu hồi không? (ảnh minh họa)
Thực trạng đất bị bỏ không hiện nay
– Với sự phát triển không ngừng của nền khoa học kỹ thuật, hiện nay tại nước ta cũng như các nước khác trên thế giới thì tỷ lệ các ngành sản xuất công nghiệp hay dịch vụ ngày càng phát triển, kéo theo đó chính là tình trạng nhiều người dân bỏ sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất, hay như việc hiện nay có nhiều dự án chậm tiến độ cũng gây nên việc bỏ hoang gây lãng phí đất.
– Theo đó, căn cứ xác định đất bỏ hoang là đất đai không được sử dụng, khai thác đúng mục đích hay có quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất mà chưa được thực hiện. Điều này dẫn đến việc đất bỏ không trong một khoảng thời gian dài. Như vậy, tiêu chí để xác định đất hoang là mục đích sử dụng đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thời gian đình trệ, không thực hiện việc khai thác, sử dụng đất.
Hiện nay, ở Hà Nội, thành phố Hồ Chi Minh hay tại nhiều thành phố lớn khác trên cả nước, đang có hàng chục dự án bị bỏ hoang cả chục năm không triển khai thực hiện.
– Hậu quả của tình trạng đất bỏ hoang là việc gây nên sự bức xúc trong dư luận. Bỏ hoang đất làm lãng phí tài nguyên dẫn đến tình trạng bất ổn trong chính sách quản lý đất đai. Thêm vào đó là việc trì trệ, cản trở sự phát triển của kinh tế – xã hội cuả đất nước.
– Bên cạnh các dự án lớn, một số bất động sản nhỏ, lẻ của cá nhân cũng bị bỏ hoang, không sử dụng do tình trạng đầu cơ đất. Trong khi, giá đất ngày càng tăng nhiều gia đình phải sống trong cảnh 5-6 người sống trong căn hộ 40 – 50 m2 thì bất động sản lại rơi vài tay một số người với mục đích kinh doanh mua đi, bán lại mà không có nhu cầu sử dụng thực tế. Hậu quả ngoài việc gây lãng phí còn làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến định hướng phát triển đô thị.
– Từ việc chính quyền cấp xã, thậm chí là cấp thôn, hợp tác xã tự ý cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền đến việc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn được Nhà nước giao nhiều đất nhưng để hoang hóa, để nhiều cá nhân lợi dụng kinh doanh, thu lợi cá nhân đang phản ánh thực trạng quản lý đất đai lỏng lẻo ở nhiều địa phương.
– Ngay ở Hà Nội, nơi “tấc đất tấc vàng”, kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy có 30 cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đang để hoang hóa hàng trăm nghìn m2 đất, biến đất thành khu dịch vụ tổng hợp gồm các quán bar, karaoke, nhà hàng, siêu thị, sân tennis, bãi giữ xe… – Chuyện “dự án treo” và đất quy hoạch sân gôn tập trung ở các nơi vốn là đất hai vụ lúa, đất “bờ xôi ruộng mật” không được sử dụng hiệu quả, bỏ hoang hóa, đang có nguy cơ thu hẹp mục tiêu giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa.
Đánh thuế đất bỏ không có nên hay không?
-
Trước thực trạng diện tích đất nông nghiệp cũng như đất phi nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng lớn thì việc tìm ra giải pháp để làm giảm tình trạng bỏ hoang đất là rất cần thiết. Vậy nên vấn đề cấp thiết hiện nay đó chính là tìm ra giải pháp, trong đó có cả việc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống.
-
Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 có quy định về việc thu hồi dự án chậm tiến độ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64, tuy nhiên biện pháp này thông qua quá trình thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Quy định này chỉ áp dụng cho dự án của tổ chức mà được Nhà nước giao, còn đối với những thửa đất của cá nhân hay các dự án nhà ở riêng lẻ thì chưa có một chế tài, biện pháp cụ thể nào được đưa ra. Đây là một thiếu sót lớn của pháp luật đất đai hiện hành, dẫn đến tình trạng mua để đầu cơ mà chưa được sử dụng đúng mục đích.
-
Gần đây, tình trạng đất đã được phê duyệt dự án nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách. Do đó việc dùng chính sách thuế tăng cao đánh vào đất bỏ hoang, nhằm chống việc đầu cơ đất đai là điều rất cần thiết.
-
Đầu cơ đất đai được cho là việc một người hay tổ chức nào đó mua vào một số lượng lớn quyền sử dụng đất, để tích trữ và bán ra khi có sự chênh lệch về giá. Do đất đai có hạn, đầu cơ gây ra sự khan hiếm giả đẩy giá đất tăng cao gây ảnh hưởng nền kinh tế.
-
Đánh thuế là một trong những giải pháp phổ biến nhất để quản lý tài nguyên đất đai một cách hiệu quả tại nhiều quốc gia có thị trường bất động sản phát triển trên thế giới. Cách đánh thuế thường đa dạng và linh hoạt chứ không rập khuôn một trường hợp duy nhất.
Ví dụ đánh thuế nặng những khu đất bỏ trống, hoang phế, trì hoãn xây dựng và không thể đưa vào khai thác phục vụ xã hội nhằm chặn dòng tiền chết nằm trong đất với mục đích duy nhất chờ tăng giá. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể cân nhắc đánh thuế lũy tiến mảnh đất bỏ hoang thứ hai, thứ ba trở đi để chống đầu cơ. Thuế đất vừa được xem là công cụ điều tiết thị trường, đồng thời cũng chống lãng phí tài nguyên đất đai.
Đất nông nghiệp bỏ hoang có bị thu hồi không?
Hiện nay các khu công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều tại các vùng ngoại thành, các vùng sản xuất nông nghiệp đã dẫn đến tình trạng có rất nhiều người dân bỏ sản xuất nông nghiệp để đi làm công nhân hay các công việc khác. Điều này đã dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại rất nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất nông nghiệp của địa phương đó cũng như cả nước. Vậy nên trong nhiều trường hợp Nhà nước tiến hành thu hồi các diện tích đất bị bỏ hoang này lại để cải tạo và cho thuê, giao đất cho những người khác có nhu cầu sử dụng đất.
Việc thu hồi đất nông nghiệp bị bỏ hoang của Nhà nước được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013. Thực chất đây là một trường hợp mà Nhà nước thu hồi đất do người dân vi phạm pháp luật đất đai.
Việc thu hồi đất do nông nghiệp bị bỏ hoang phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Hiện nay, thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp bị bỏ hoang tùy từng trường hợp mà được xác định như sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
-
Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
-
Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
-
Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
-
Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trong trường hợp khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.
Chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội