Mục luc của bài viết
Trích lục hồ sơ địa chính là gì?
Khoản 4 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:
” Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các yếu tố địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.”
Theo Từ điển Tiếng Việt, trích lục là sự rút ra từng phần và sao lại thông tin.
Như vậy, trích lục bản đồ địa chính có thể hiểu là việc lấy ra một phần hoặc toàn bộ thông tin hoặc sao y bản chính của một hay nhiều thửa đất và các yếu tố địa lý của thửa đất đó dựa trên hồ sơ, giấy tờ gốc đã có.
Quy định về trích lục hồ sơ địa chính
Theo Phụ lục số 13 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính thì trích lục bản đồ địa chính chứa những thông tin về thửa đất, gồm:
– Số thứ tự thửa đất, tờ bản đồ, địa chỉ thửa đất (xã, huyện, tỉnh);
– Diện tích thửa đất;
– Mục đích sử dụng đất;
– Tên người sử dụng đất và địa chỉ thường trú;
– Các thay đổi của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất;
– Bản vẽ thửa đất gồm: Sơ đồ thửa đất, chiều dài cạnh thửa.
Như vậy, trích lục bản đồ địa chính là một hình thức cung cấp, xác thực thông tin thửa đất.
Xin trích lục hồ sơ địa chính
Các trường hợp cần trích lục bản đồ địa chính
– Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận
Theo điểm b khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP khi đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận lần đầu và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất.
– Cấp lại Giấy chứng nhận
Theo khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP khi cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất.
– Là căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai
Sau khi hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã không thành nếu các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện, tỉnh thì trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp là một trong những căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai (theo điểm c khoản 3 Điều 89 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
– Người xin giao đất, thuê đất có yêu cầu
– Là thành phần hồ sơ trình UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
– Là thành phần hồ sơ trình UBND quyết định thu hồi đất
Hồ sơ xin trích lục bản đồ địa chính
Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục trích lục bản đồ địa chính bao gồm:
- Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai (nếu yêu cầu trích lục địa chính, cung cấp dữ liệu đất đai) do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp theo mẫu 01/PYC ban hành kèm theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Hợp đồng/văn bản yêu cầu về trích đo địa chính thửa đất, khu đất (nếu yêu cầu trích đo) do cơ quan đăng ký đất đai cung cấp theo mẫu thống nhất;
- Giấy tờ về sử dụng đất và các giấy tờ liên quan về sử dụng đất (bản sao);
- Giấy tờ chứng minh nhân thân: chứng minh thư, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu còn hạn.
Số lượng hồ sơ: 1 bộ
Thủ tục trích lục hồ sơ địa chính
Các phương thức nộp văn bản, phiếu yêu cầu trích lục hồ sơ địa chính gồm:
– Nộp trực tiếp tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai;
– Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
– Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Trình tự, thủ tục xin trích lục hồ sơ đất đai
Bước 1: Gửi phiếu yêu cầu hoặc có thể văn bản yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phiếu, văn bản yêu cầu, đồng thời thực hiện các công việc sau:
- Xem tính hợp lệ của phiếu và văn bản yêu cầu. Trường hợp có căn cứ xác định yêu cầu khi cấp trích lục bản đồ địa chính từ người yêu cầu thuộc trường hợp không có quyền cấp thì cần trả lời cho người yêu cầu thông qua văn bản và nói nguyên nhân từ chối vì sao.
- Thông báo đến những tổ chức cá nhân về việc nộp chi phí theo pháp luật quy định.
- Thực hiện cấp trích lục bản đồ địa chính cho người yêu cầu nếu thấy có đủ điều kiện.
Lệ phí trích lục hồ sơ địa chính
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT, tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu trong việc cung cấp thông tin về đất đai phải trả phí trích lục bản đồ địa chính, trừ các trường hợp sau:
– Phạm vi yêu cầu cung cấp nằm trong cơ sở dữ liệu về đất đai hoặc các thông tin về giá đất, thủ tục hành chính, kế hoạch, quy hoạch hoặc văn bản pháp luật về đất đai
– Mục đích yêu cầu cung cấp nhằm phục vụ cho quốc phòng, an ninh, yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tình trạng khẩn cấp
– Đáp ứng mục đích thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan tài nguyên và môi trường ở địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp)
Như vậy, trong trường hợp cá nhân, tổ chức có yêu cầu cấp trích lục bản đồ địa chính không thuộc các trường hợp trên phải trả các khoản phí và chi phí quy định tại Điều 16 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT sau:
– Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.
– Chi phí in ấn, sao chụp.
– Chi phí gửi tài liệu (nếu có).
Theo quy định tại Thông tư 250/2016/TT-BTC, các phí và chi phí này sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
Chi tiết xin liên hệ:
Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội
Điện thoại: 0866 222 823
Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com
Website: https://luatthaiduonghanoi.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi
Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội